Khi về hưu, ông Bùi Tiến Huynh vẫn thường ‘say sưa’ với thú vui vườn tược, rau quả trên sân thượng rộng 25m2 nhà mình.

Dành trọn vẹn khoảng sân thượng tầng 3 của gia đình với diện tích 25m2, vợ chồng ông Bùi Tiến Huynh (Hà Nội) cùng nhau chăm chút, vun trồng cho những loại cây ăn quả, rau sạch thêm tươi tốt mỗi ngày.

Để có được vườn rau sạch đáng mơ ước của rất nhiều người, ông đã chia sẻ với chúng tôi khá nhiều những kinh nghiệm trồng rau sạch, trồng cây hữu ích, giúp những ai yêu cây cỏ, thiên nhiên sẽ có thêm động lực tạo cho mình một khu vườn nhỏ xinh như vậy.

vườn rau sân thượng, trồng rau ban công, vườn rau sạch của lão nông phố

Toàn cảnh sân thượng rau sạch tầng 3.

– Chào ông, ông có thể giới thiệu một chút về bản thân và cuộc sống hiện tại?

– Tôi là Bùi Tiến Huynh, sinh năm 1946, hiện tôi đã về hưu. Tôi sinh ra và lớn lên ở làng quê Thái Bình nên ngay từ khi còn là học sinh cấp II tôi đã gắn bó với ruộng lúa, bờ khoai, với những ngày vắt vẻo trên lưng trâu “mơ màng nghe chim hót trên cao”.

Lớn lên được đi du học ở Đức, rồi về nước sống và làm việc ở thủ đô nhưng luôn nghĩ về những kỉ niệm êm đẹp đã gắn bó gần 20 năm ở làng quê yên bình với những mảnh vườn cây cối xanh tốt, xum xuê vào mỗi vụ Xuân Hè, với những cánh đồng lúa chín vàng vào mùa Thu… Những ký ức đẹp ấy luôn sống trong tôi. Tôi mơ ước ngày nào đó mình sẽ có những thứ rau quả do tự tay mình chăm sóc như thuở thiếu thời.
vườn rau sân thượng, trồng rau ban công, vườn rau sạch của lão nông phố

Đu đủ được ông Huynh trồng 2 cây, đều xanh tươi tốt lá.

Một cây trồng trong chậu, một cây trồng trong thùng xốp.
Do diện tích thùng xốp lớn hơn nên cây phát triển nhanh hơn, cho ra quả sớm hơn.

– Ông bắt đầu tạo khu vườn sân thượng cho gia đình mình từ khi nào? Tôi thấy nhiều người thích trồng bonsai hay trồng hồng ngoại, ông có lý do đặc biệt gì khi chọn rau quả để trồng?

– Năm 2013 khi sửa chữa lại nhà, chúng tôi có một sân thượng rộng 30 m2. Từ đó có ý nghĩ sẽ làm một mảnh vườn nhỏ trên cao để trồng thêm các loại rau quả mà trước đó chỉ trồng được một số hạn chế xung quanh sân dưới mái tôn tầng 4.

Nhiều người thích chơi hoa hoặc cây cảnh nhưng chúng tôi lại thích trồng rau quả vì chúng thiết thực với cuộc sống ngày nay hơn. Một công đôi điều lợi: Vừa thư giãn tuổi già vừa tránh được phải ăn rau quả bẩn, không an toàn. Mặt khác lại được trở về với cuộc sống bình yên bên những mảnh vườn xum xuê cây trái thuở nhỏ ở làng quê.

Dọc mùng được trồng khá nhiều.
Đất ẩm và nhiều dinh dưỡng nên dọc mùng luôn xanh tốt, đẻ nhiều cây con.

– Ông có thể chia sẻ về những khó khăn khi bắt đầu trồng rau? Ông có kỷ niệm gì đáng nhớ về những ngày đầu trồng rau để chia sẻ với độc giả không?

– Trở ngại lớn khi làm “mảnh vườn” này là việc chống thấm và vận chuyển 3m khối đất phù sa lên trên đó. Đã phải xử lý chống thấm tới 5 lớp, gây tốn kém khá lớn so với điều kiện kinh tế của gia đình, nhưng mặc, cứ làm miễn là thỏa được niềm ước mơ từ lâu của mình, ‘ăn chơi phải tốn kém’ mà. Còn việc đưa ngần ấy khối đất may mà có lực lượng thợ xây làm giúp.

Chúng tôi không gặp khó khăn gì lớn vì đã có kinh nghiệm trồng trọt của con nhà nông từ trước và đã có vài năm trồng thử trong hộp xốp, chậu xung quanh mái che. Có chăng chỉ là thời tiết: Nhiều đợt mưa nắng thất thường, rất vất vả khi phải chống chọi với những cơn giông tố và những trận mưa rào lớn. Có những đêm hai vợ chồng già vẫn phải lọ mọ dưới trời mưa tầm tã để che chắn cho cây vì thương chúng, tiếc công chăm sóc của mình!

Cà chua trồng leo vào lưới thép.

Cây bám lên lưới không cần giàn.

Cà chua ông Huynh trồng cũng rất sai quả.

– Sân thượng trồng rau sạch nhà ông rộng bao nhiêu m2, ông có mất nhiều thời gian cho việc chăm sóc?

– Mảnh vườn 25m2 (sau khi đã trừ hiên và lối đi) chúng tôi trồng rau quả theo phương pháp thổ canh trong các bồn xây, chậu sứ, chậu xi măng và hộp xốp tùy theo từng loai rau, có áp dụng một số kinh nghiệm của hội ‘thổ canh thời @’.

Là ‘tỉ phú thời gian’ nên chúng tôi dành khá nhiều công sức cho mảnh vườn của mình, đều đặn, trừ những hôm trái gió trở giời. Mỗi sáng và chiều tối cả tôi và vợ đều có mặt trên vườn vài tiếng để vun xới, tỉa tót, ngắm nghía… những đứa ‘cháu’ đáng yêu.

Rau cải xanh tốt.

Rau húng.

Hành, hẹ được trồng nhiều trong thùng xốp.

– Ông thường sử dụng những phương pháp và phương tiện gì để trồng rau?

– Về cách chăm bón cây, chủ yếu vẫn theo cách trồng trọt truyền thống của bà con nông dân, nhưng vì trồng trên sân thượng nhà thành phố nên có hơi cầu kỳ đôi chút.

Tôi chọn loại đất phù sa sông Hồng, phơi khô khoảng mươi hôm dưới nắng hanh rồi đóng bao, hộp xốp quá đát (thủng nhiều, nứt) để dùng dần. Chúng tôi thường dùng phân hữu cơ được ủ bởi rác thải sinh hoạt của gia đình, bã thuốc đông y (rất tốt, không gây mùi hôi thối) và thỉnh thoảng có ủ phân cá, làm phân xanh từ những cây, lá già trong vườn…

Rau ngót Nhật non xanh mơn mởn.

Rau ngải cứu dễ trồng, dễ chăm.

– Về đất trồng, phân bón, cách tưới nước cho rau quả thì cần lưu ý những vấn đề gì, thưa ông?

– Đất trồng thường phối trộn 50% đất, 50% các loại khác như phân gà hoai, trấu tươi, trấu hun, phân hữu cơ đã ủ mục, xỉ than… tùy từng loại cây mà gia giảm cho phù hợp với đặc tính sinh trưởng của cây đó. Ngoài ra còn sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh, các loại phân bón lá hữu cơ phổ biến trên thị trường, rất ít sử dụng phân vô cơ. Khi bón thúc thì tỉ lệ đất chỉ dùng khoảng 30-40%.
vườn rau sân thượng, trồng rau ban công, vườn rau sạch của lão nông phố

Cô chú rất chăm chỉ làm vườn.

Cây cối xanh tốt trên sân thượng.

– Trồng rau sạch trên sân thượng ông có gặp vấn đề về sâu bệnh không ạ, cách xử lý của ông như thế nào ạ?

– Cũng có khi gặp vấn đề về sâu bệnh, nhất là sâu vẽ bùa trên rau cải rất khó trị, rồi các loại rệp nhưng diện tích ít, trồng nhiều chủng loại nên có thể diệt chúng kịp thời. Nếu trồng rau đúng thời vụ và trồng mỗi loại một ít thường gặp ít sâu bệnh, có thể xử lý chúng kịp thời lại có nhiều loại rau thay đổi khẩu vị.

Cây rau mơ leo tốt trên thành sân thượng.

Cây hương nhu được trồng ghép với những bụi hành, hẹ.

Bí ngòi bắt đầu ra quả.

– Tôi thấy ông trồng được giàn su su và bầu bí rất sai quả, ông có thể chia sẻ về kinh nghiệm trồng và bí quyết chăm sóc cho độc giả học hỏi được không ạ?

– Muốn su su sai quả cần trồng đúng thời vụ, tốt nhất vào đầu tháng 9 Âm lịch để cây phát triển khỏe vào dịp mùa đông lạnh là khí hậu ưa thích của loại cây này, đến mùa xuân cây sẽ ra hoa đậu nhiều quả. Khâu chăm sóc cũng rất quan trọng: Khi ‘hạ thổ’ phải bón lót phân hữu cơ hoại mục. Khi cây được 5-7 lá pha loãng đạm urê tưới xa gốc để lá mọc nhanh, cây hơn 1m bón ít phân NPK và hỗn hợp phân hữu cơ theo tỉ lệ vừa phải cho ngọn mập, phát triền nhanh. Khi cây tầm 1,5m thì gỡ tay bám, cho thân cây vòng quanh gốc sát mặt đất, chờ vài ngày thấy ở các đốt nhú mầm thì lấp 1 lớp đất mòng (chú ý đừng để dập gẫy mầm).

Cứ thế các mầm đó nếu chăm bón tốt sẽ phát triển thành các nhánh tươi tốt cho ra các quả sau này. Khi các ngọn chính dài chừng 2m thì bấm ngọn đó, cắt tỉa các ngọn nhánh yếu ớt. Trong quá trình phát triển, cần giữ cho gốc su su thoáng và có độ ẩm vừa phải. Khi cây ra hoa đậu quả cần tưới nước giữ ẩm và bón thêm phân hữu cơ cùng với NPK, tỉa bớt các lá già để cây tập trung dinh dưỡng nuôi hoa quả.

Ông Huynh còn làm giàn ở gần cầu thang và hiên tầng 3.
Giàn được làm kiên cố, chắc chắn…

…để trồng các loài cây ra quả.

Su su sai quả trên giàn.

Ông Huynh bên thành quả sớm khuya lao động của mình.

Bí đỏ leo giàn.

Mướp hương cũng khá sai quả.

– Ông trồng rất nhiều chùm ngây trên sân thượng, cây này có dễ trồng không ạ, ông mua giống ở đâu và cách chăm sóc như thế nào?

– Chúng tôi trồng 2 cây chùm ngây to được gần 2 năm và 6 cây nhỏ được khoảng 10 tháng. Hai cây to đã thu hoạch nhiều lần, ăn lá rất ngon (theo khẩu vị của gia đình chúng tôi). Mấy cây mới trồng mới thu hoạch 1 lần, bây giờ đang lớn.

Chùm ngây rất dễ trồng, không phải chăm bón nhiều như đu đủ, su su, bí, mướp… Trồng 1 lần có thể thu hoạch lâu năm, nhưng chỉ thu hoạch lá vào cuối Xuân, Hè và đầu Thu. Chúng tôi mua cây giống bên Đại học Nông nghiệp Hà Nội.

Chùm ngây được chú Huynh trồng khá nhiều trên sân thượng.

Cảm ơn ông rất nhiều vì đã dành thời gian trò chuyện, chia sẻ với Lidota.vn. Chúc ông và gia đình luôn hạnh phúc và tạo thêm thật nhiều mảng xanh tươi mát cho tổ ấm, thêm nhiều ngọt lành cho bữa cơm gia đình!

Ngoài ra anh chị có thể lựa chọn mẫu mái che di động sau để vừa lấy ánh sáng và che nắng mưa tùy thích theo biến động của thời tiết mà bên cơ sở Hưng Thịnh đang lắp đặt cho nhiều anh chị khách hàng !

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *